KIẾN THỨC VỀ ĐẤU GIÁ VÀ ĐẤU GIÁ TRỰC TUYẾN

1. Đấu giá tài sản là gì? Cách thức để vận hành một cuộc đấu giá trực tiếp

Đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản thông qua thủ tục trả giá công khai giữa nhiều người muốn mua và người trả giá cao nhất là người được quyền mua tài sản bán.

1.1 Vận hành một cuộc đấu giá trực tiếp

Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá theo hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá theo trình tự sau đây:

a) Giới thiệu bản thân, người giúp việc; công bố danh sách người tham gia đấu giá và điểm danh để xác định người tham gia đấu giá;

b) Đọc Quy chế cuộc đấu giá;

c) Giới thiệu từng tài sản đấu giá;

d) Nhắc lại mức giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm;

đ) Thông báo bước giá và khoảng thời gian tối đa giữa các lần trả giá, đặt giá;

e) Phát số cho người tham gia đấu giá;

g) Hướng dẫn cách trả giá, chấp nhận giá và trả lời câu hỏi của người tham gia đấu giá;

h) Điều hành việc trả giá, chấp nhận giá theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Việc trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên được thực hiện như sau:

a) Đấu giá viên yêu cầu người tham gia đấu giá thực hiện việc trả giá;

b) Người tham gia đấu giá trả giá. Giá trả phải ít nhất bằng giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm. Người trả giá sau phải trả giá cao hơn giá mà người trả giá trước liền kề đã trả;

c) Đấu giá viên công bố giá đã trả sau mỗi lần người tham gia đấu giá trả giá và đề nghị những người tham gia đấu giá khác tiếp tục trả giá;

d) Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn.

3. Việc chấp nhận giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức đặt giá xuống được thực hiện như sau:

a) Đấu giá viên đưa ra giá để người tham gia đấu giá chấp nhận giá. Người chấp nhận giá khởi điểm là người trúng đấu giá;

b) Đấu giá viên công bố mức giảm giá và tiến hành đấu giá tiếp trong trường hợp không có người nào chấp nhận giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm. Người chấp nhận mức giá đã giảm là người trúng đấu giá;

c) Trường hợp có từ hai người trở lên cùng chấp nhận giá khởi điểm hoặc mức giá đã giảm thì đấu giá viên tổ chức bốc thăm để chọn ra người trúng đấu giá.

2. Đấu giá trực tuyến là gì?

Điều 40 Luật đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận với người có tài sản đấu giá lựa chọn một trong các hình thức sau đây để tiến hành cuộc đấu giá:

a) Đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá;

b) Đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá;

c) Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp;

d) Đấu giá trực tuyến.

Như vậy, đấu giá trực tuyến là một trong những hình thức đấu giá, hình thức này cho phép người tham gia đấu giá các sản phẩm hoặc các dịch vụ thông qua Internet.

Hệ thống đấu giá trực tuyến được xây dựng với mục tiêu là cung cấp một môi trường ảo trên internet giúp cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa gặp gỡ khách hàng và trao đổi buôn bán nhanh chóng, tiện lợi thông qua hình thức đấu giá. Người bán có thể bán được sản phẩm hàng hóa của mình và người mua có thể mua được sản phẩm hàng hóa với một giá có thể trả cho sản phẩm hàng hóa đó.

3. Tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến

Điều 9 Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định:

Trong trường hợp cuộc đấu giá được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Chương III và Chương IV của Luật đấu giá tài sản và quy định tại Chương III của Nghị định này.

Tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện hoặc trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá thì Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.

Đấu giá viên được tổ chức đấu giá tài sản phân công, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến.

Ngoài việc thông báo công khai đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 của Luật đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá dưới hình thức trực tuyến đăng tải thông báo công khai việc đấu giá trên hệ thống thông tin điện tử đấu giá trực tuyến theo thỏa thuận với người có tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Chi phí thuê tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến được tính vào chi phí đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 66 của Luật đấu giá tài sản.

Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến được thiết lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về thông tin và truyền thông, pháp luật về thương mại điện tử.

4. Điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến

Điều 13 Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định , điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến như sau:

Tổ chức đấu giá tài sản thiết lập Trang thông tin điện tử để tổ chức cuộc đấu giá dưới hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định của Luật đấu giá tài sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá trực tuyến;

b) Có đội ngũ nhân viên điều hành hệ thống kỹ thuật Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến;

c) Có phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành an toàn hệ thống kỹ thuật Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến phải có các chức năng tối thiểu sau đây:

a) Đảm bảo tính an toàn, bảo mật về tài khoản truy cập và toàn vẹn dữ liệu, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá;

b) Ghi nhận và lưu trữ tất cả mức giá được trả trong cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá trực tuyến;

c) Hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; trích xuất được lịch sử việc trả giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến;

đ) Hiển thị mức giá cao nhất được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận 30 giây một lần để những người tham gia đấu giá có thể xem được.

Điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến được thẩm định theo quy định sau:

Tổ chức đấu giá tài sản gửi Đề án thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến đến Sở Tư pháp nơi tổ chức đấu giá tài sản có trụ sở. 

Giám đốc Sở Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng; thành phần Hội đồng gồm đại diện Sở Tư pháp làm Chủ tịch Hội đồng, đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu giá, công nghệ thông tin.

Hội đồng thẩm định điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến xem xét, thẩm định theo các nội dung sau đây:

a) Cơ sở pháp lý và sự cần thiết phải thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến;

b) Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất và đội ngũ nhân sự vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến;

c) Tính an toàn, bảo mật của hệ thống đấu giá trực tuyến;

d) Tính năng hiển thị, ghi nhận, lưu giữ, trích xuất của hệ thống đấu giá trực tuyến;

đ) Phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật;

e) Tính khả thi, hiệu quả của việc triển khai hệ thống đấu giá trực tuyến trong thực tiễn.

Phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến được thực hiện như sau:

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được Đề án thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản, Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến.

Danh sách tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp và gửi Bộ Tư pháp để đăng tải trên Trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản.

5. Trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến

Tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến có trách nhiệm sau đây:

– Vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến; chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá trực tuyến do mình thực hiện;

– Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và vận hành Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến theo quy định của Luật đấu giá tài sản, Nghị định này và pháp luật có liên quan;

– Dừng cuộc đấu giá trực tuyến và thông báo ngay cho người có tài sản quyết định thời gian đấu giá lại trong trường hợp do lỗi kỹ thuật của hệ thống đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản khiến cuộc đấu giá không bắt đầu được; hủy cuộc đấu giá trực tuyến trong trường hợp do lỗi kỹ thuật của hệ thống đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản khiến người tham gia đấu giá không tiếp tục trả giá được sau khi cuộc đấu giá bắt đầu và thông báo cho người có tài sản biết để quyết định thời gian đấu giá lại;

– Bảo mật thông tin về người tham gia đấu giá, tài khoản truy cập trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Bồi thường thiệt hại do lỗi mà tổ chức gây ra trong quá trình vận hành trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật;

– Ban hành, hướng dẫn và công bố trên Trang thông tin đấu giá trực tuyến cách thức đăng ký tài khoản, việc sử dụng tài khoản, cách thức trả giá, phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá và công bố kết quả đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến.

Và phải tuân thủ nguyên tắc đấu giá trực tuyến như sau:

– Tuân thủ quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

– Bảo mật về tài khoản truy cập, thông tin về người tham gia đấu giá và các thông tin khác theo quy định của pháp luật.

– Bảo đảm tính khách quan, minh bạch, an toàn, an ninh mạng.

– Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản, người tham gia đấu giá và cá nhân, tổ chức có liên quan.

6. Trình tự thực hiện cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến

Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định 62/2017/NĐ-CP, trình tự thực hiện cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến như sau:

– Tổ chức đấu giá tài sản đăng tải Quy chế cuộc đấu giá trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.

– Khi đăng ký tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá được cấp một tài khoản truy cập; được hướng dẫn về cách sử dụng tài khoản, cách trả giá và các nội dung cần thiết khác trên Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để thực hiện việc đấu giá trực tuyến.

– Người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản của mình và thực hiện việc trả giá theo phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá đã được công bố.

– Tại thời điểm kết thúc cuộc đấu giá, đấu giá viên được tổ chức đấu giá tài sản, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến xác định người trúng đấu giá như sau:

+ Trường hợp việc trả giá được thực hiện bằng phương thức trả giá lên thì người trúng đấu giá là người có mức trả giá cao nhất được hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến ghi nhận tại thời điểm kết thúc việc trả giá;

+ Trường hợp việc trả giá được thực hiện bằng phương thức đặt giá xuống thì người trúng đấu giá là người đầu tiên chấp nhận mức giá khởi điểm hoặc giá đã giảm được hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến ghi nhận.

– Đấu giá viên được tổ chức đấu giá tài sản, thành viên được Hội đồng đấu giá tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến căn cứ kết quả xác định người trúng đấu giá quy định tại khoản 4 Điều này công bố người trúng đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến ngay sau khi cuộc đấu giá kết thúc.

– Kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên hệ thống đấu giá trực tuyến và được gửi vào địa chỉ điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký với tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ngay sau khi công bố người trúng đấu giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến.

Thông báo kết quả đấu giá trực tuyến

– Tổ chức đấu giá tài sản, Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng thông báo kết quả đấu giá cho người trúng đấu giá ngay sau khi có kết quả đấu giá trực tuyến.

– Thông báo phải ghi rõ các thông tin về tài sản đấu giá, thời điểm bắt đầu và kết thúc việc trả giá, thời điểm hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận giá trúng đấu giá.

Biên bản cuộc đấu giá trực tuyến

Biên bản cuộc đấu giá trực tuyến phải ghi nhận thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá, thời điểm kết thúc cuộc đấu giá, số người tham gia đấu giá, giá trúng đấu giá, người trúng đấu giá. Diễn biến của cuộc đấu giá được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận phải được trích xuất, có xác nhận của tổ chức đấu giá tài sản vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến và đính kèm biên bản đấu giá.

Biên bản đấu giá phải được lập tại thời điểm kết thúc việc trả giá và có chữ ký của đấu giá viên, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến, người ghi biên bản, người có tài sản đấu giá. Trong trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện thì biên bản đấu giá còn phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng.

Biên bản đấu giá được gửi cho người trúng đấu giá để ký. Việc sử dụng chữ ký số trong biên bản đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Đấu giá trực tuyến – Bước đi đầu tiên để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Ngày 18/5, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội tổ chức công bố quyết định về việc phê duyệt tổ chức đấu giá tài sản đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyếnĐấu giá trực tuyến – Bước đi đầu tiên để phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam

Tính ưu việt của hình thức đấu giá trực tuyến

Hình thức đấu giá trực tuyến Luật Đấu giá tài sản năm 2016 được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 17/11/2016 đã đánh dấu mốc quan trọng chính thức công nhận “đấu giá trực tuyến” là một trong những hình thức đấu giá được pháp luật bảo hộ bên cạnh những hình thức đấu giá truyền thống. Việc triển khai hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tiễn là cần thiết, vì những lý do sau đây:

Một là, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống là chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Việc ứng dụng công nghệ đã được thực hiện rộng rãi trên mọi lĩnh vực: Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ thuế điện tử, giáo dục điện tử, thương mại điện tử, Việt Nam cũng là một trong những nước có số lượng người dùng Internet cao trên thế giới. Đặc biệt, thời gian gần đây, Bộ Tư pháp đã và đang triển khai Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hình thức đấu giá trực tuyến là phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước và hướng tới xu thế thương mại điện tử toàn cầu.

Hai là, thực trạng đấu giá tài sản hiện nay cho thấy, khi tìm kiếm thông tin về đấu giá tài sản, không khó để nhìn thấy những cụm từ như “quân xanh, quân đỏ” nhằm ám chỉ tình trạng thông đồng, dìm giá khi tham gia đấu giá hoặc nghiêm trọng hơn là những vụ việc gây rối, đe dọa, cưỡng ép người tham gia đấu giá nhằm đạt được những lợi ích nhất định của một số đối tượng, và những đối tượng này đã bị khởi tố vụ án vì những hành vi nói trên. Đấu giá trực tuyến là hình thức quan trọng làm hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá khi tham gia đấu giá.

Khi tham gia đấu giá trực tuyến, người tham gia đấu giá không nhất thiết phải đến cùng một địa điểm để tham gia đấu giá, thông tin về người tham gia đấu giá được bảo mật, hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá giữa những người cùng tham gia đấu giá.

Ba là, đấu giá trực tuyến không bị giới hạn về thời gian, không gian và vị trí địa lý. Người có nhu cầu mua tài sản có thể tiếp cận thông tin về tài sản; đăng ký và tham gia đấu giá từ bất cứ nơi nào trên thế giới mà chỉ cần có máy tính, điện thoại thông minh kết nối Internet. Vì vậy, việc tổ chức đấu giá sẽ không bị gián đoạn vì những lý do khách quan (ví dụ: dịch bệnh, thiên tai, …) giống như những cuộc đấu giá được tổ chức bằng hình thức truyền thống.

Với nhiều tính ưu việt vốn có, hình thức đấu giá trực tuyến được kỳ vọng sẽ mang lại một thị trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Chính vì vậy, trong giai đoạn hiện nay việc ghi nhận một tổ chức đấu giá tài sản có đủ các điều kiện được nhà nước cấp phép hoạt động đấu giá trực tuyến là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang