Một số vướng mắc về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản và kiến nghị hoàn thiện pháp luật

1. Một số vướng mắc về trình tự, thủ tục đấu giá trong Luật Đấu giá tài sản

Thứ nhất, vướng mắc trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá

Căn cứ vào khoản 4 Điều 56 Luật Đấu giá tài sản thì người có tài sản phải thực hiện việc lựa chọn tổ chức đấu giá theo các tiêu chí như sau:

– Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá;

– Phương án đấu giá khả thi, hiệu quả;

– Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản;

– Thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp;

– Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố;

– Các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.

Nhiều tổ chức đấu giá cho rằng, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức đấu giá được cạnh tranh bình đẳng, ngoài các tiêu chí chung về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, Luật Đấu giá tài sản cần phải quy định cụ thể “các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định” là những tiêu chí cụ thể gì. Ví dụ, cần quy định rõ tổ chức đấu giá tài sản có bao nhiêu năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản; số lượng hợp đồng bán đấu giá loại tài sản tương tự đã từng thực hiện; giá bán chênh lệch cao nhất so với giá khởi điểm; số lượng đấu giá viên có kinh nghiệm… Tuy nhiên, trong thực tiễn thì người có tài sản hầu như chỉ quan tâm đến duy nhất mức thù lao mà tổ chức đấu giá đưa ra là bao nhiêu. Nhiều doanh nghiệp đấu giá tài sản nếu xét về bề dày kinh nghiệm và đội ngũ đấu giá viên thì không bằng các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp nhưng đã đưa ra mức thù lao dịch vụ chỉ bằng 50% mức thù lao dịch vụ quy định, thậm chí là “0 đồng” để được người có tài sản lựa chọn. Vì vậy, có thể nói, khi người có tài sản đấu giá thực hiện quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản có thể đã làm “điêu đứng” các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản. Trong khi khung thù lao dịch vụ đấu giá được quy định cứng thì nhiều tổ chức đấu giá lại dùng khung thù lao để cạnh tranh không lành mạnh trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá.

Thứ hai, những nội dung quy định trong Quy chế cuộc đấu giá còn chưa có bước giá

Tác giả cho rằng, bước giá là nội dung rất quan trọng trong việc tổ chức đấu giá tài sản, tuy nhiên, nội dung của Quy chế cuộc đấu giá tài sản lại không quy định bước giá. Trong khi đó, theo điểm đ khoản 1 Điều 41 Luật Đấu giá tài sản quy định về đấu giá trực tiếp bằng lời nói thì tại cuộc đấu giá, đấu giá viên thông báo bước giá là một thủ tục bắt buộc. Đối với đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá tại Điều 42 Luật Đấu giá tài sản, đấu giá viên cũng phải thông báo bước giá. Điều này dẫn đến sự mâu thuẫn trong quy trình đấu giá tài sản là Quy chế cuộc đấu giá tài sản không bắt buộc quy định bước giá thì tại cuộc đấu giá căn cứ vào đâu để thông báo bước giá?

Thứ ba, vướng mắc trong thủ tục thông báo đấu giá

Khoản 1 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản quy định, “đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”.

Thực tiễn cho thấy, các tổ chức đấu giá khi áp dụng quy định trên rất khác nhau và khó có thể kiểm soát việc đăng thông báo đấu giá của tổ chức đấu giá như thế nào là phù hợp. Do pháp luật chỉ quy định chung chung là đăng trên báo in, báo hình mà không quy định cụ thể là báo in nào, báo hình nào nên đã xảy ra những bất cập như: (i) Đăng trên nhiều báo khác nhau và thông tin rất khó đến được với khách hàng; (ii) Đăng thông báo bán đấu giá trên báo mua bán với chi chít các thông tin, ở đó, thông tin về đấu giá được in rất nhỏ, khách hàng khó có thể tìm được về thông tin bán tài sản; (iii) Đăng trên báo có lượng độc giả ít; (iv) Có tổ chức đấu giá lý luận rằng, pháp luật chỉ quy định là báo in mà không quy định cụ thể là báo nào nên đăng thông báo bán đấu giá trên bất kỳ báo in nào cũng được thậm chí là Báo Hoa học trò, Báo Nhi đồng và chỉ cần tiêu chí mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc; (v) Việc đăng báo trên báo hình của trung ương cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự vì có quá nhiều  kênh truyền hình, có tổ chức đăng thông báo đấu giá trên kênh học tiếng dân tộc cho người thiểu số, có tổ chức đăng thông báo trên các kênh truyền hình VOV, VTC nhưng ở những khung giờ rất ít người xem như 3 giờ sáng, 12 giờ đêm… để tiết kiệm chi phí hoặc với mục đích bưng bít thông tin, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá…

Việc thông báo bán đấu giá tài sản trên trang thông tin điện tử là một bước tiến lớn của Luật Đấu giá tài sản, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong trình tự, thủ tục; là kênh thông tin về tài sản đấu giá cho phép các khách hàng có thể lựa chọn mua tài sản đấu giá ở mọi lúc, mọi nơi trong thời đại công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có trang thông tin điện tử để các tổ chức đấu giá đăng tải thông báo về bán đấu giá, đã làm giảm tính chất công khai, minh bạch trong thủ tục đấu giá tài sản. Vì vậy, việc xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử là vấn đề cần phải thực hiện ngay để đảm bảo hoạt động đấu giá tài sản công khai, minh bạch.

Thứ tư, bất cập trong việc xác định người trúng đấu giá

Trong quá trình thực hiện cho thấy có sự bất bình đẳng trong quy định của Luật Đấu giá tài sản về việc xác định người trúng đấu giá giữa hình thức đấu giá bằng lời nói và hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu tại cuộc đấu giá.

Với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, Luật Đấu giá tài sản quy định rõ: “Người tham gia đấu giá trả giá. Giá trả phải ít nhất bằng giá khởi điểm trong trường hợp công khai giá khởi điểm” (điểm b khoản 2 Điều 41); “Đấu giá viên công bố người đã trả giá cao nhất là người trúng đấu giá sau khi nhắc lại ba lần giá trả cao nhất đã trả và cao hơn giá khởi điểm mà không có người trả giá cao hơn” (điểm d khoản 2 Điều 41), như vậy thì để xác định người trúng đấu giá bắt buộc phải là người trả giá cao hơn giá khởi điểm. Tuy nhiên, về đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu, Luật Đấu giá tài sản (khoản 2 Điều 42) lại không quy định các khách hàng tham gia hình thức đấu giá này phải trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm. Việc trả giá trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên với hình thức bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá được thực hiện như sau: Đấu giá viên công bố giá cao nhất đã trả của vòng đấu giá đó và đề nghị người tham gia đấu giá tiếp tục trả giá cho vòng tiếp theo, giá khởi điểm của vòng đấu giá tiếp theo là giá cao nhất đã trả ở vòng đấu giá trước liền kề; cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá, đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất và công bố người đó là người trúng đấu giá.

Tình huống thực tiễn: Doanh nghiệp đấu giá A tổ chức đấu giá tài sản thi hành án dân sự là chiếc ô tô với hình thức bỏ phiếu trực tiếp. Tại cuộc đấu giá có 05 khách hàng tham gia đấu giá. Ở vòng bỏ phiếu thứ nhất có 03 khách hàng đã trả giá thấp hơn giá khởi điểm, 02 khách hàng còn lại chỉ trả bằng giá khởi điểm. Đối với 03 khách hàng trả giá thấp hơn giá khởi điểm sẽ không bị vi phạm Luật Đấu giá tài sản. Đối với 02 khách hàng ở vòng bỏ phiếu thứ nhất chỉ trả bằng giá khởi điểm, sau đó, họ đã đề nghị không tiếp tục trả giá ở vòng thứ hai. Để xác định người trúng đấu giá, đấu giá viên yêu cầu họ đấu giá tiếp nhưng họ lại có quyền không đấu giá tiếp. Sau đó, để xác định người trúng đấu giá, đấu giá viên phải cho 02 khách hàng này bốc thăm để xác định người trúng đấu giá. Như vậy, tài sản thi hành án dân sự nêu trên chỉ được bán bằng giá khởi điểm, tạo cơ hội cho khách hàng thông đồng, dìm giá khi áp dụng hình thức đấu giá bỏ phiếu tại cuộc đấu giá.

Thứ năm, chưa thể áp dụng được hình thức đấu giá trực tuyến

Mặc dù Luật Đấu giá tài sản đã có quy định về hình thức đấu giá trực tuyến nhưng cho đến thời điểm hiện nay chưa có tổ chức đấu giá nào áp dụng được hình thức đấu giá trực tuyến. Việc đấu giá theo hình thức đấu giá trực tuyến là một trong những điểm tiến bộ của Luật Đấu giá tài sản, tuy nhiên, để triển khai áp dụng đòi hòi sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý cũng như nguồn vốn đầu tư vào việc xây dựng hình thức đấu giá này chứ không chỉ đơn thuần là ghi nhận trong quy định của pháp luật.

Thứ sáu, thiếu căn cứ để áp dụng đấu giá tài sản thi hành án dân sự theo thủ tục rút gọn

Một trong những điểm mới của Luật Đấu giá tài sản so với những văn bản pháp luật về bán đấu giá tài sản trước đó là quy định đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn tại Điều 53:

“1. Tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận thực hiện việc đấu giá theo thủ tục rút gọn trong các trường hợp sau đây:

a) Đấu giá tài sản thi hành án dân sự, tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu mà giá khởi điểm của tất cả tài sản đấu giá trong một cuộc đấu giá dưới năm mươi triệu đồng;

b) Đấu giá lại trong trường hợp đã đấu giá lần thứ hai nhưng vẫn không thành;

c) Đấu giá tài sản quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này trong trường hợp lựa chọn trình tự, thủ tục rút gọn”.

Việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự là bất động sản được thực hiện khi có thỏa thuận giữa người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản, nhưng việc triển khai hiện nay đang có vướng mắc. Trước hết, trong quá trình thực hiện, chấp hành viên vẫn lo ngại do các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự không có quy định dẫn chiếu để xác định chấp hành viên có quyền bán tài sản thi hành án dân sự là bất động sản theo thủ tục rút gọn tại Điều 53 Luật Đấu giá tài sản. Mặt khác, sau hai lần bán đấu giá không thành, nếu chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thi hành án dân sự là bất động sản theo thủ tục đấu giá rút gọn sẽ bị vi phạm thời hạn bán đấu giá tài sản thi hành án dân sự là bất động sản theo quy định tại Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014): “Việc bán đấu giá đối với động sản phải được thực hiện trong thời hạn là 30 ngày, đối với bất động sản là 45 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng”. Đặc biệt, nếu thực hiện đấu giá tài sản thi hành án dân sự là bất động sản theo thủ tục rút gọn thì thời gian về quyền nhận lại tài sản của người phải thi hành án chỉ còn lại rất ít, thực tế thường là 04 ngày kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản thay vì là 44 ngày theo thủ tục của pháp luật thi hành án dân sự. Do pháp luật về thi hành án dân sự chưa có quy định nào hướng dẫn về việc đấu giá tài sản thi hành án dân sự là bất động sản theo thủ tục rút gọn và Luật Đấu giá tài sản quy định việc đấu giá theo thủ tục rút gọn không phải là bắt buộc, chỉ là thỏa thuận của chấp hành viên và tổ chức đấu giá nên từ thời điểm Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực, các chấp hành viên và tổ chức đấu giá rất ngại phải đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn. Điều này cho thấy, tiến trình đấu giá tài sản thi hành án dân sự là bất động sản vẫn chưa thể đẩy nhanh được dù cho Luật Đấu giá tài sản đã có quy định rút gọn thủ tục đấu giá đối với tài sản này.

2. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản

Thứ nhất, bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá của người có tài sản đấu giá

Luật Đấu giá tài sản đã quy định cách thức và tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá để thực hiện việc đấu giá và phần nào đã hạn chế được việc thông đồng, dìm giá tài sản giữa người có tài sản với một tổ chức đấu giá “thân thuộc”. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện quy định này trên thực tế được khách quan, công khai, minh bạch hơn cần phải quy định rõ “những tiêu chí khác về việc thực hiện lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản”, chẳng hạn như: Tổ chức đấu giá tài sản có bao nhiêu năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản; cơ sở vật chất bảo đảm được cho cuộc đấu giá có từ 10 đến 20 khách hàng tham gia đấu giá; số lượng hợp đồng bán đấu giá loại tài sản tương tự đã từng thực hiện; giá bán chênh lệch cao nhất so với giá khởi điểm; số lượng đấu giá viên có kinh nghiệm… Cần phải công khai kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá và nghiêm cấm việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức đấu giá bằng việc lựa chọn tổ chức đấu giá đưa ra khung thù lao dịch vụ đấu giá thấp.

Thứ hai, bổ sung bước giá là một trong những nội dung cần phải có trong Quy chế cuộc đấu giá

Pháp luật về đấu giá tài sản không nên quy định cứng nội dung của Quy chế cuộc đấu giá mà chỉ quy định những nội dung cơ bản, bên cạnh đó tùy từng loại tài sản sẽ có quy định cần thiết khác. Thực tiễn cho thấy, Quy chế cuộc đấu giá không chỉ là văn bản để quy định về tài sản, thời gian, địa điểm xem tài sản, thời gian, địa điểm bán hồ sơ, cách thức đấu giá thông qua hình thức, phương thức đấu giá mà còn cần phải quy định các điều kiện cơ bản mà người trúng đấu giá phải thực hiện khi ký kết hợp đồng mua bán tài sản sau này. Xuất phát từ thực tiễn là tài sản đưa ra đấu giá rất đa dạng nên nếu đóng khung các nội dung như đã quy định trong Quy chế cuộc đấu giá sẽ không đảm bảo điều chỉnh được những nội dung phát sinh xuất phát từ đặc thù của loại tài sản đưa ra đấu giá. Từ đó, tác giả đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản như sau: “Quy chế cuộc đấu giá bao gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tên tài sản hoặc danh mục tài sản, số lượng, chất lượng của tài sản đấu giá; nơi có tài sản đấu giá; giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đấu giá;

b) Thời gian, địa điểm xem tài sản đấu giá;

c) Bước giá, phương thức, hình thức đấu giá…

k) Một số quy định khác nếu thấy cần thiết không trái quy định của Luật Đấu giá tài sản và pháp luật chuyên ngành có liên quan”.

Để bảo đảm không mâu thuẫn giữa điểm d khoản 1 Điều 41 Luật Đấu giá tài sản với Điều 42 Luật Đấu giá tài sản, tác giả đề nghị bổ sung quy định về bước giá trong Quy chế đấu giá tài sản và quy định về bước giá là một trong những nội dung bắt buộc trong Quy chế cuộc đấu giá.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thông báo đấu giá theo hướng chặt chẽ hơn

Pháp luật về đấu giá tài sản cần quy định về đăng thông báo trên một báo in chuyên trách về đấu giá thay cho việc đăng thông báo bán đấu giá trên tất cả các loại báo in hiện nay. Chúng ta đã có một báo riêng về hoạt động đấu thầu thì cũng cần phải xây dựng một báo riêng về hoạt động đấu giá. Bên cạnh đó, trong các kênh phát sóng của truyền hình cũng cần xây dựng chuyên mục về đấu giá tài sản và pháp luật về đấu giá cũng cần quy định việc đăng báo hình trên truyền hình trung ương phải đăng trong chuyên mục về đấu giá tài sản để khách hàng có thể nắm bắt được thông tin về đấu giá mọi loại tài sản. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản để bảo đảm tất cả các thông báo đấu giá được đăng tải công khai, minh bạch.

Thứ tư, sửa đổi quy định về cách thức xác định người trúng đấu giá đối với hình thức đấu giá bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá giống như cách thức xác định người trúng đấu giá đối với hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói

Quy định hiện hành cho phép việc xác định người trúng đấu giá theo hình thức bỏ phiếu chỉ cần trả bằng giá khởi điểm, trong khi đó, khi áp dụng hình thức đấu giá bằng lời nói thì người trúng đấu giá chỉ trúng đấu giá khi trả cao hơn giá khởi điểm ít nhất 01 bước giá. Từ bất cập này mà quy định về đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu phải sửa đổi. Theo đó, người trả giá từ vòng bỏ phiếu đầu tiên phải chấp nhận giá khởi điểm (trong trường hợp công bố công khai giá khởi điểm) và giá trúng đấu giá phải cao hơn giá khởi điểm thì mới đúng với nguyên tắc đấu giá lên. Như vậy, Điều 42 Luật Đấu giá tài sản cần phải được sửa đổi như sau: “Cuộc đấu giá kết thúc khi không còn ai tham gia trả giá. Đấu giá viên công bố người trả giá cao nhất và công bố người đó là người trúng đấu giá với điều kiện giá đã trả ít nhất phải cao hơn giá khởi điểm trong trường hợp công bố công khai giá khởi điểm”.

Thứ năm, cần có quy định cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp triển khai hình thức đấu giá trực tuyến

Cho tới thời điểm hiện nay, khi Luật Đấu giá tài sản đã có hiệu lực thi hành hơn 02 năm nhưng chưa có tổ chức đấu giá nào triển khai áp dụng được hình thức đấu giá trực tuyến vào hoạt động đấu giá tài sản. Lý giải nguyên nhân này là do việc đầu tư cơ sở vật chất để áp dụng mô hình hoạt động đấu giá trực tuyến rất lớn và các quy định về đấu giá trực tuyến còn khá sơ khai, mới mẻ, chủ yếu mang tính nguyên tắc. Ví dụ, khi khách hàng đăng ký tham gia đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức đấu giá sẽ thu phí tham gia đấu giá là bao nhiêu tiền? Nếu áp dụng mức thu phí như hiện hành theo Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ bán đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Bán đấu giá tài sản sẽ không thể phù hợp về chi phí để vận hành hình thức đấu giá này (hiện đại, hiệu quả nhưng chi phí rất lớn). Bên cạnh đó, trong các quy định của pháp luật hiện hành về đấu giá trực tuyến chưa có quy định nào tạo ra hành lang pháp lý khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến. Đặc biệt, tiền hồ sơ tham gia đấu giá của khách hàng đăng ký tham gia đấu giá hiện nay lại thuộc về người có tài sản chứ không phải tổ chức đấu giá nên khi đầu tư hình thức đấu giá này, tổ chức đấu giá không biết sẽ thu hồi vốn đầu tư như thế nào. Tác giả thấy rằng, cần bổ sung quy định khuyến khích tổ chức đấu giá xây dựng và áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến tại Chương III Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản như sau: “Khi triển khai hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức đấu giá được phép thu tiền đăng ký tham gia đấu giá của khách hàng để bảo đảm vận hành hệ thống đấu giá trực tuyến”.

Thứ sáu, bổ sung quy định trong pháp luật thi hành án dân sự về việc chấp hành viên phải bán tài sản thi hành án dân sự là bất động sản theo thủ tục rút gọn sau 02 lần bán đấu giá không thành

Một trong những điểm tiến bộ của Luật Đấu giá tài sản là quy định đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn. Thủ tục này tháo gỡ được bất cập trong đấu giá tài sản thi hành án dân sự trong trường hợp đấu giá nhiều lần không thành. Tuy nhiên, để quy định này được triển khai trên thực tế đòi hỏi pháp luật thi hành án dân sự phải có quy định để xác định cụ thể người có tài sản thi hành án dân sự là chủ thể nào trong trình tự, thủ tục đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Như vậy, chấp hành viên mới có căn cứ để đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn. Để thực hiện quy định này thì pháp luật thi hành án dân sự cần quy định cụ thể như sau: “Sau 02 lần bán đấu giá không thành, đối với tài sản thi hành án dân sự là bất động sản, chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn tại Điều 53 Luật Đấu giá tài sản”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang